Biểu giá điện FiT là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của điện mặt trời tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung. FiT là gì, vì sao FiT quan trọng và Việt Nam đang ứng dụng FiT như nào? Hãy cùng Solar Top tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây. 


Thuật ngữ FiT và lịch sử phát triển của thuật ngữ

FiT (còn được viết là FIT hoặc FITs) là cụm từ viết tắt của Feed-in Tariff, được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ. Đây là chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể hơn là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới điện hoặc sử dụng tại chỗ. Thuật ngữ này sử dụng cho điện năng lượng tái tạo nói chung, không chỉ dành cho điện năng lượng mặt trời.

FiT có một quá trình hình thành và phát triển khá phức tạp. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, thuật ngữ được dùng ở châu Âu với ý nghĩa đầu tiên là “Stromeinspeisungsgesetz (StrEG)” (luật cung cấp điện vào lưới điện) của Đức và “electricity feed law” (luật bán điện vào lưới) của Anh. Cuối cùng, “Feed-in Tariff” ra đời, là giá bán điện năng (tariff) sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào (feed-in) hoặc bán cho điện lưới quốc gia. Thực tế, FiT được sử dụng linh hoạt bằng các cách gọi khác như Luật Trợ giá, Giá điện năng lượng tái tạo tiên tiến (“Advanced Renewable Tariffs” – ARTs), Giá ưu đãi năng lượng tái tạo (Incentive Payments).




Với bất kỳ tên gọi nào, FiT vẫn được công nhận là cơ chế chính sách giúp thúc đẩy sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhanh chóng, thành công nhất trên thế giới. Thông thường biểu giá FiT phổ biến là áp dụng cho mỗi kWh điện phát lên lưới.

 

Vì sao chính sách giá FiT thành công trên thế giới?

Những yếu tố trong biểu giá điện hỗ trợ FiT giúp gia tăng sự phát triển của điện năng lượng tái tạo.

  • Sự đảm bảo để nguồn năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện
  • Hợp đồng bán điện dài hạn
  • Mức giá bán điện năng có lãi cho nhà đầu tư

Minh hoạ về FiT: Khi hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoà lưới, họ có thể bán lại lượng điện dư cho điện lưới theo giá điện FiT và mua điện của điện lưới với mức giá cao hơn để sử dụng. Giá FiT cao hơn mức giá điện mua vào, do vậy có thể đem lại lợi ích cho các hộ gia đình sử dụng điện mặt trời, đó là tiết kiệm tiền điện và góp phần giảm tải sự phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, từ đó bảo vệ môi trường.

 

Quá trình hình thành và phát triển FiT tại Việt Nam

Vai trò của biểu giá điện hỗ trợ FiT

Điện mặt trời đã phát triển hàng trăm năm trên thế giới, tuy nhiên chỉ vài năm trở lại đây điện mặt trời mới thực sự bùng nổ tại Việt Nam. Chính sách giá FiT đã tồn tại qua nhiều thế kỷ ở các quốc gia phát triển, tuy nhiên chỉ mới gần đây Việt Nam mới áp dụng giá FiT cho điện mặt trời. Biểu giá điện FiT đã phát huy hiệu quả như nào tại Việt Nam? Chúng ta sẽ phân tích những dữ liệu sau đây để nhận ra vai trò quan trọng của biểu giá hỗ trợ FiT trong việc phát triển ngành điện mặt trời tại Việt Nam.




Đối với hệ thống điện mặt trời độc lập có lưu trữ

Hệ thống điện mặt trời độc lập có lưu trữ sở hữu hệ thống ắc quy có thể tích trữ năng lượng. Khi không có đủ ánh sáng mặt trời cho tải, hệ thống có thể xả năng lượng từ ắc quy; ngược lại khi thừa công suất, năng lượng sẽ được nạp vào ắc quy và lưu trữ. Dù hệ thống đem lại sự tiện lợi khi luôn có điện, nhưng trên thực tế lại xảy ra khá nhiều nhược điểm như:

  • Chu trình xả – nạp của ắc quy làm thất thoát 30-40% sản lượng của toàn hệ thống
  • Chi phí đầu tư cao do cần thêm hệ thống ắc quy lưu trữ
  • Chi phí bảo trì tăng do hệ thống ắc quy lưu trữ cần được thay định kỳ
  • Do hệ thống có nhiều thiết bị và chu trình hơn nên có khả năng xảy ra cháy nổ cao hơn


Đối với hệ thống điện mặt trời hòa lưới theo cơ chế FiT

Hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ nối hệ thống với lưới điện của EVN để hỗ trợ cho inverter. Inverter đóng vai trò “hoà lưới” – hoà 2 nguồn điện lưới và điện mặt trời thông qua sự đồng bộ về tần số, điện áp… Hệ thống điện mặt trời hoà lưới linh hoạt có thể bổ sung cho phụ tải trong hộ tiêu thụ điện, làm giảm chi phí điện năng phải mua từ Điện lực.


Có thể thấy, hệ thống điện mặt trời hoà lưới sẽ tối ưu hơn so với hệ thống điện mặt trời lưu trữ trước đây. Khi áp dụng biểu giá điện FiT, cơ chế này mang tới những lợi ích cho cả người mua và người bán:

  • Cho phép sử dụng hệ thống điện lưới Quốc gia để bù đắp công suất thiếu hụt của hệ thống điện mặt trời
  • Cam kết trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời
  • Ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại (Khoản 1 điều 9, QĐ 11/2017/QĐ-TTg).

Chờ đợi quyết định giá điện FiT 3

Trước mắt, thời gian áp dụng biểu giá điện FiT 2 đã gần hết hiệu lực, do đó các dự án đang gấp rút hoàn thiện để có thể hưởng giá điện FiT 2, kịp thời nối lưới trước khi Chính phủ quy định giá bán điện FiT 3.

Tuy vậy, trong thời gian giá điện FiT 2 hết hạn, dự đoán về giá điện FiT 3 vẫn còn gây hoang mang cho người dân. Trên thực tế, thời gian dịch bệnh COVID diễn ra trong nửa đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng rất lớn tới việc lắp đặt điện mặt trời, khiến ngành điện mặt trời đóng băng trong thời gian dài, giá điện FiT 2 không phát huy hiệu quả và khiến rất nhiều dự án phải chạy nước rút. Trong buổi toạ đàm “FiT 2 và cơ chế chính sách cho phát triển Điện Mặt Trời ở Việt Nam sau 2020”, đại diện các Quỹ đầu tư, chủ dự án, người tiêu dùng… đã đưa ra ý kiến về giá điện FiT 3. Các ý kiến đều mong muốn gia tăng thời lượng của biểu giá điện FiT 2 và có mức giá FiT cố định tại Việt Nam, thay vì thay đổi liên tục trong 1-2 năm.

  • Nên gia hạn giá điện FiT 2 đến cuối năm 2021, hoặc ngay khi giá điện FiT 2 hết hiệu lực, Chính phủ cần ban hành ngay giá điện FiT 3, không để thời gian chết như lần ban hành giá điện FiT 2.
  • Giá FiT nên để lâu dài, cần xem xét về đường dây truyền tải.
  • FiT 3 nên được xây dựng theo hướng ưu tiên phát triển phân tán (ví dụ miền Bắc sẽ được ưu tiên giá điện cao hơn do người dân đang đầu tư điện mặt trời ít vì đây là vùng có bức xạ thấp), ưu đãi đối với các hệ thống nhỏ để khuyến khích các hộ gia đình vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ cùng tham gia vào đầu tư điện mặt trời.

Như vậy, có thể thấy giá điện hỗ trợ FiT là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của các quốc gia phát triển điện mặt trời trên thế giới. Tại đất nước mà việc lắp đặt điện mặt trời đang trở nên sôi động hơn như Việt Nam, việc đưa ra những chính sách giá phù hợp, ưu đãi là những yếu tố quan trọng để khuyến khích người dân sử dụng điện mặt trời nhiều hơn. Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, dự thảo về Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời do Bộ Công Thương xây dựng hiện đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Mức giá 3.150đ/kWh được đề xuất áp dụng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Đến năm 2030, điện mặt trời chiếm khoảng 3,3% tổng lượng điện năng của cả nước. Tuy nhiên, với những hạn chế trong khai thác điện mặt trời bao gồm việc thiếu khung pháp lý, cơ chế về giá; cơ chế hỗ trợ đất đai, công nghệ và thuế cho doanh nghiệp… thì có lẽ chúng ta sẽ còn phải chờ đợi khá lâu trước khi chính thức được hưởng những ưu đãi do FiT mang lại.